Là giáo viên mầm non, hằng ngày đến trường để dạy trẻ, tôi mong sao cho đàn con thân yêu của mình được phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Trẻ được vui bên bạn bè, tiếp thu được những kiến thức mà giáo viên đã truyền thụ cho trẻ qua các hoạt động học tập, vui chơi ở trường. Đặc biệt, việc hình thành các biểu tượng toán học sơ đẳng cho trẻ mầm non là một nội dung quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục mầm non. Việc hình thành các biểu tượng toán học cho trẻ mầm non là quá trình hình thành ở trẻ những kiến thức sơ đẳng về tập hợp, con số, phép đếm, về kích thước, hình dạng của các vật, về khả năng định hướng không gian, thời gian. Đây là những nấc thang đầu tiên góp phần thành công cho trẻ ở những năm học tiếp theo. Là khối trưởng khối 4 tuổi, nhiều năm liền được phân công dạy trẻ ở độ tuổi này, trong các môn học dạy trẻ, tôi rất tâm đắc với hoạt động làm quen với toán. Trong quá trình giáo dục trẻ, tôi luôn đặt câu hỏi “Làm thế nào để trẻ tích cực làm quen với toán? ” Từ những kinh nghiệm của bản thân, kết hợp với việc nghiên cứu tài liệu, đi dự giờ thực tế giảng dạy của hoạt động toán ở các lớp tôi đã sử dụng một số phương pháp sau: Một là, thu hút trẻ tích cực làm quen với toán thông qua đồ dùng đồ chơi ở lớp. Tôi luôn bày đồ dùng, đồ chơi hấp dẫn xung quanh lớp tạo điều kiện cho trẻ tự lấy đồ chơi theo ý thích của mình, trẻ có thể ghép đôi tương ứng 1 - 1 các nhóm đồ vật để đếm và so sánh về số lượng của các nhóm đồ vật…Bên cạnh đó tôi còn trang trí lớp bằng những đồ dùng tự tạo và một số hình ảnh ngộ nghĩnh vừa với tầm mắt của trẻ giúp trẻ tự trao đổi, khám phá và nhận biết được một số hình hình học cơ bản, biết phân biệt về kích thước của 2 đối tượng, biết định hướng trong không gian. [Ảnh minh họa lớp học] Ngoài ra, ở các góc chơi của lớp còn trang trí những đồ dùng có những hình dạng , kích thước, số lượng khác nhau để giúp trẻ nhận biết được các số và hình học cơ bản. Từ đó khi trẻ chơi hoặc trong các giờ học trẻ được quan sát và tiếp xúc với các loại đồ dùng, đồ chơi, được tự sử dụng sẽ kích thích tư duy của trẻ, trẻ sẽ tự đưa ra câu hỏi cho mình, cho bạn cùng chơi và cùng trả lời câu hỏi đó. Tôi luôn thay đổi đồ dùng, đồ chơi theo từng chủ đề, thường xuyên quan sát khi trẻ sử dụng đồ dùng, đồ chơi của toán học. Để có được những đồ dùng đồ chơi đó ngoài việc tích cực làm đồ dùng, đồ chơi tôi còn phối kết hợp cùng phụ huynh sưu tầm các nguyên vật liệu sẵn có hoặc phế thải của gia đình, địa phương khuyến khích phụ huynh cùng làm đồ dùng, đồ chơi và tạo môi trường toán học cho trẻ phong phú, hấp dẫn hơn. Hai là, thu hút trẻ tích cực khám phá làm quen với toán thông qua tổ chức hoạt động có mục đích học tập. Giáo viên cần dạy trẻ kĩ năng đếm đúng, sử dụng đúng các từ chỉ số lượng và thứ tự, dạy trẻ nhận biết mối quan hệ hơn kém giữa 2 nhóm đối tượng trên cơ sở so sánh về số lượng của 2 nhóm. Với yêu cầu trên tôi luôn vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức sao cho phù hợp với từng bài, từng chủ đề. [Ảnh minh họa tiết học] Để hoạt động học cuốn hút ngay từ đầu với trẻ thì cô phải biết tạo hứng thú cho trẻ ngay từ phần vào bài, có thể bằng các trò chơi nhẹ nhàng hoặc lồng ghép tích hợp các hoạt động khác vào hoạt động toán học một cách logic. Với tiết học ghép đôi tương ứng 1 - 1 cô giáo cần khắc sâu bản chất của việc xếp tương ứng 1 - 1 bằng cách cô và trẻ cùng làm, cùng nói cách làm " một với một" . Để hình thành những thao tác đúng cho trẻ, tôi thường gợi hỏi trẻ: Cháu xếp đồ chơi bằng tay nào? Cháu xếp như thế nào? Với tiết học so sánh từng chiều dài của 2 vật tôi luôn sử dụng các đồ dùng đa dạng nhưng dấu hiệu cần so sánh phải nổi bật. Với tiết học định hướng trong không gian là cách xác định vị trí phía trước- phía sau; phía trên - phía dưới; phía phải - phía trái của bản thân so với các đối tượng khác. Phải dạy trẻ xác định phía trước- phía sau, phía trên - phía dưới của bản thân trẻ việc chủ yếu cần làm là dựa vào kinh nghiệm của trẻ. Với trẻ mẫu giáo khả năng phân biệt các hình hình học của trẻ còn chưa rõ nét nên trong hoạt động này thường dạy trẻ thực hiện một số thao tác khác nhau như: lăn hình... Qua thực tiễn trẻ thấy rằng, hình tròn lăn được còn các hình khác không lăn được. Từ đó trẻ sẽ nắm được một số dấu hiệu đặc trưng của hình. Giáo viên tổ chức cho trẻ luyện tập nhóm các hình theo các dấu hiệu khác nhau. Chẳng hạn: " Chọn tất cả các hình vuông" ; " Chọn tất cả các hình tròn" ….Việc luyện tập đó vừa là củng cố những kiến thức và kĩ năng cho trẻ vừa giúp trẻ ôn luyện nhận biết màu sắc, so sánh kích thước cũng như những kỹ năng định hướng trong không gian. Ba là, củng cố các biểu tượng về toán cho trẻ thông qua các hoạt động khác. Để củng cố kĩ năng toán học cho trẻ một cách tích cực và các hoạt động học tập khác được phong phú, đa dạng hơn, trong các hoạt động khác tôi thường tích hợp toán vào các hoạt động một cách nhẹ nhàng, thoải mái và phù hợp: Với đặc điểm của trẻ mẫu giáo là dễ nhớ nhưng cũng mau quên. Vì vậy, những kiến thức cô cung cấp cho trẻ cần được củng cố thường xuyên ở mọi lúc, mọi nơi giúp cho trẻ nhớ và khắc sâu hơn. * Ví dụ hoạt động tạo hình: Trẻ sẽ nặn và đếm xem mình nặn được bao nhiêu củ cà rốt. Hoặc khi cho trẻ vẽ quả tròn thì quả tròn giống hình gì? - Tóm lại: Giáo viên có thể tích hợp toán vào tất cả các hoạt động khác nhưng phải biết lựa chọn những nội dung phù hợp để giúp trẻ được củng cố và ôn luyện, được ghi nhớ sâu sắc và bộc lộ được những sáng tạo khi học toán. Qua việc thực hiên các biện pháp trên tôi thấy chất lượng các cháu tăng lên rõ rệt Cô có kiến thức vững vàng trong hoạt động dạy trẻ làm quen với toán. Trẻ hứng thú say mê hoạt động, mạnh dạn tự tin trong việc tiếp thu kiến thức. Trẻ có kiến thức trong việc so sánh về số lượng, kích thước, có định hướng đúng trong không gian, có nhận biết đúng về các hình hình học cơ bản, biết đếm đúng theo thứ tự theo yêu cầu của cô.
Đang truy cập : 32
Hôm nay : 0
Tháng hiện tại : 313353
Tổng lượt truy cập : 3844087